Tại Điều 2, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”.
Để bảo hộ quyền bầu cử của công dân, nhằm ngăn chặn các hành vi lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử trong Ngày bầu cử, tại Điều 160, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
“1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là một đợt sinh hoạt chính trị pháp lý quan trọng, là nơi Nhân dân phát huy quyền dân chủ trực tiếp của mình trong xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”. Do đó, mỗi công dân phải phát huy tốt quyền công dân, trách nhiệm của mình trong việc tham gia bầu cử (ngày 23/5/2021). Đồng thời, mỗi công dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, đến các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, góp phần cho Ngày bầu cử được diễn ra, dân chủ, an toàn, tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật và thực sự là Ngày hội của toàn dân tộc.
Ngọc Thành