Hình ảnh mô tả vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis kháng thuốc. Ảnh: CDC
Báo cáo tập trung vào các khía cạnh môi trường của AMR, xảy ra khi vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn phản ứng với thuốc.
Báo cáo kêu gọi tăng cường hành động để giảm sự xuất hiện, lây truyền và lây lan của “siêu vi khuẩn” - các chủng vi khuẩn đã trở nên kháng mọi loại vi sinh vật đã biết - và các trường hợp khác của AMR, vốn đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người, động vật và thực vật.
Một ví dụ khác về sự bất bình đẳng
Thủ tướng Barbados Mia Mottley cho biết: “Cuộc khủng hoảng môi trường là một trong những vấn đề về nhân quyền và địa chính trị. Báo cáo của UNEP về tình trạng kháng kháng sinh là một ví dụ khác về sự bất bình đẳng, trong đó cuộc khủng hoảng AMR đang ảnh hưởng không tương xứng đến các quốc gia ở Nam bán cầu”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), AMR là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Năm 2019, ước tính có khoảng 1,27 triệu ca tử vong trên toàn cầu do nhiễm trùng kháng thuốc. Nhìn chung, gần 5 triệu ca tử vong có liên quan đến AMR do vi khuẩn.
Dự báo, sẽ có thêm khoảng 10 triệu ca tử vong trực tiếp hàng năm vào năm 2050, tương đương với số ca tử vong do ung thư trên toàn cầu vào năm 2020.
AMR cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế và dự báo sẽ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ít nhất 3,4 nghìn tỷ USD hàng năm vào cuối thập kỷ này, đẩy khoảng 24 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực.
Các lĩnh vực dược phẩm, nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe làm trầm trọng thêm sự phát triển và lan truyền AMR trong môi trường, cùng với các chất gây ô nhiễm từ hệ thống vệ sinh, nước thải và chất thải đô thị kém. Bà Inger Andersen, Giám đốc Điều hành UNEP cho rằng bộ ba cuộc khủng hoảng hành tinh - biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy giảm đa dạng sinh học - đã góp phần vào việc này.
“Ô nhiễm không khí, đất và đường thủy cản trở quyền của con người đối với môi trường trong sạch và lành mạnh. Chính những nguyên nhân gây ra suy thoái môi trường đang làm trầm trọng thêm vấn đề kháng kháng sinh. Tác động của tình trạng kháng vi khuẩn có thể phá hủy hệ thống thực phẩm và sức khỏe của chúng ta”, bà cảnh báo.
Cách tiếp cận “Một sức khỏe”
Giải quyết AMR đòi hỏi sự chung tay đa ngành, thừa nhận sức khỏe của con người, động vật, thực vật và môi trường có mối liên hệ chặt chẽ và phụ thuộc vào nhau.
Điều này phù hợp với cách tiếp cận “Một sức khỏe” do UNEP, WHO, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) xây dựng.
Báo cáo của UNEP được đưa ra tại Cuộc họp lần thứ 6 của Nhóm các nhà lãnh đạo toàn cầu về AMR, do Thủ tướng Mottley chủ trì. Báo cáo đề cập đến các biện pháp để giải quyết cả sự suy giảm của môi trường tự nhiên và sự gia tăng của AMR, tập trung vào việc giải quyết các nguồn ô nhiễm chính từ tình trạng vệ sinh kém, cũng như vấn đề xử lý nước thải và chất thải của cộng đồng và đô thị còn hạn chế.
Các khuyến nghị bao gồm tạo ra các khung quản trị, lập kế hoạch, quy định và pháp lý mạnh mẽ ở cấp quốc gia, đồng thời tăng cường nỗ lực toàn cầu để cải thiện quản lý nước tổng hợp.
Các biện pháp khác được đề xuất là thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế về yếu tố cấu thành chỉ số vi sinh tốt về AMR từ các mẫu môi trường và tìm kiếm các lựa chọn để chuyển hướng đầu tư, trong đó có việc đảm bảo tài trợ bền vững.
Theo Báo TN&MT