Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế
Ngay từ những ngày đầu mới tái lập, tỉnh Bình Phước đã nhất quán quan điểm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là điều kiện cơ bản cho sự ổn định và phát triển toàn diện để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Với vai trò, nhiệm vụ của mình, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức thành viên và các ngành tuyên truyền, vận động hội viên, các tầng lớp nhân dân đoàn kết, giúp nhau tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất chuyên canh. Đồng thời, khuyến khích nhân dân duy trì và phát triển các phong trào, mô hình đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, nâng cao đời sống trên địa bàn dân cư.
Ông Điểu Khinh, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh ở xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng chia sẻ: Những năm đầu tái lập tỉnh, đất đai còn rộng lớn, phì nhiêu, mình chịu khó, chăm chỉ tự lực cánh sinh, rồi Nhà nước, chính quyền hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đến chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… Nhờ đó, mình cũng giàu lên nhanh chóng. Mình xây được nhà to, mua được xe hiện đại đi lại. Bà con đồng bào S’tiêng trong vùng thấy thế cũng học tập làm theo, những hộ chưa đủ điều kiện vươn lên thì mình giúp đỡ.
Trong thời kỳ nào, sức mạnh đoàn kết cũng luôn được nêu cao và phát huy. Trong ảnh: Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh chụp hình lưu niệm tại lễ phát động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo
Tập hợp quy tụ rõ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là sức lan tỏa của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Ngày vì người nghèo”. Các cuộc vận động này đã thu hút được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã giúp 26.646 lượt hộ nghèo vay vốn không tính lãi hơn 76,6 tỷ đồng; 68.972 cây - con giống và 879.868 ngày công lao động để sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân trên địa bàn đã đóng góp 439,84 tỷ đồng để cùng chính quyền địa phương xây dựng trên 3.247km đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù; kéo hơn 629km đường điện chiếu sáng, trị giá hàng tỷ đồng... Cũng trong giai đoạn này, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã vận động được hơn 306,17 tỷ đồng; xây dựng và bàn giao hơn 2.800 căn nhà đại đoàn kết, trị giá 181,998 tỷ đồng cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở; hỗ trợ tiếp theo Chương trình 167 với 1.062 căn; sửa chữa, nâng cấp 593 căn nhà tình thương và xây dựng 43 công trình dân sinh…
Hỗ trợ cây, con giống là một trong nhiều giải pháp cả hệ thống chung tay vì người nghèo. Trong ảnh: Các thành viên Ban giảm nghèo xã Lộc Phú thăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số chăm sóc đàn bò giống do xã hỗ trợ
Ông Vũ Long Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chia sẻ: Trong khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng được phát huy. Các phong trào, cuộc vận động do ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phát động tiếp tục thực hiện đúng tiến độ, từng bước đi vào chiều sâu, tạo hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa, huy động sự đồng lòng của người dân.
Chính từ tinh thần đoàn kết, đồng thuận một lòng từ lãnh đạo các cấp đến mỗi tầng lớp nhân dân, sau 25 năm, Bình Phước đã vươn mình lớn mạnh, tốc độ tăng trưởng khá trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ một tỉnh nghèo nhất trong nhóm nghèo của cả nước với thu ngân sách toàn tỉnh hơn 172 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người thấp nhất cả nước (chỉ đạt 2,6 triệu đồng/năm) thì năm 2021 đã đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 79 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh, thu nhập bình quân tăng hơn 29 lần. |
Đoàn kết, sáng tạo trong phòng, chống dịch
Với tinh thần không ai đứng ngoài cuộc, không một phút giây được lơ là, chủ quan, cả hệ thống chính trị và toàn dân Bình Phước đã vào cuộc với quyết tâm chiến thắng, đẩy lùi đại dịch. Trên tuyến biên giới, tỉnh đã thành lập 65 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 và 11 tổ cơ động tuần tra vẫn duy trì; ở các cửa ngõ, các địa phương giáp ranh có 41 chốt kiểm soát người, phương tiện ra, vào tỉnh. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng được huy động lên tiền tuyến chống dịch vẫn không kể ngày nghỉ, lễ, tết, mưa nắng, đêm ngày sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng, công việc gia đình bám trụ làm nhiệm vụ.
Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong ảnh: Các thành viên tổ dệt thổ cẩm An Khương (Hớn Quản) cần mẫn dệt nên những tấm thổ cẩm đặc sắc
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, từ lãnh đạo các trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh cho đến mỗi người dân Bình Phước đã đồng lòng thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phòng, chống dịch và các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh trong điều kiện dịch bệnh. Cũng từ tinh thần đoàn kết dân tộc, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp trong tỉnh đã huy động, thành lập được 908 tổ, đội, nhóm phản ứng nhanh, tổ covid cộng đồng với 1.720 thành viên; 428 tổ truy vết, tổ tuyên truyền với 1.023 thành viên tham gia; hơn 12.000 tình nguyện viên các cấp sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch; tham gia tổ kiểm tra công tác phòng, chống dịch; tổ hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và tham gia vào các lực lượng hoặc các hoạt động khác... Các tổ, nhóm thực sự đã phát huy vai trò là “tai”, “mắt”, là "cánh tay nối dài" của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Đoàn kết các dân tộc anh em phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần. Trong ảnh: Câu lạc bộ đàn tính, hát then xã Đồng Tiến mang không khí ấm áp cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở ấp 4
Tình dân tộc, nghĩa đồng bào được phát huy mạnh mẽ với tinh thần ai có gì góp đó, vùng có dịch ít hỗ trợ vùng có dịch nhiều. Ngoài hỗ trợ nhân dân trong tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, các tầng lớp nhân dân ở Bình Phước còn góp sức người, sức của hỗ trợ nhân dân các vùng tâm dịch tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm thiết yếu, thiết bị y tế. Đã có hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên y tế ở Bình Phước tiên phong vào tâm dịch các tỉnh, thành phía Nam hỗ trợ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.
Bác Hồ từng nói: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây”. Và cứ thế, qua 25 năm xây dựng và phát triển, chính đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nguồn sức mạnh, lập nên những kỳ tích đáng tự hào. Đây cũng là điều kiện cơ bản đảm bảo cho sự thành công của Bình Phước trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Tính đến ngày 13-11-2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền 45 tỷ đồng; Quỹ ủng hộ vắc xin 4,3 tỷ đồng; đăng ký ủng hộ phòng, chống Covid-19 và xây dựng các chốt phòng, chống dịch với số tiền 2,1 tỷ đồng... Các chính sách an sinh xã hội được tỉnh quan tâm chăm lo. Tính đến tháng 10-2021, tỉnh đã phê duyệt, hỗ trợ gần 78.000 đối tượng theo Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 128 của Chính phủ với tổng kinh phí khoảng 80 tỷ đồng; cấp phát 559,7 tấn gạo từ nguồn cứu trợ cho người dân. Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách riêng hỗ trợ 9.300 đối tượng khó khăn do dịch bệnh ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai với tổng gần 6,7 tỷ đồng. |
Theo BPO