Lâu nay, khi nói về việc hỗ trợ người nghèo, từ lãnh đạo Trung ương, địa phương đến ngành lao động, thương binh và xã hội hay giới báo chí, truyền thông thường dùng hình ảnh con cá và cần câu, ý nói việc giúp đỡ người nghèo bằng vật chất cụ thể lúc khó khăn, giáp hạt là cần thiết, nhưng nếu không giúp người nghèo tạo sinh kế thì có cho bao nhiêu cũng không đủ. Bởi thế, thay vì chỉ “cho con cá”, hãy đầu tư cho người nghèo “cần câu”. Đó là đất sản xuất, là nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, là đầu tư cây con giống, vốn và hỗ trợ vay vốn chính sách, tạo đầu ra cho sản phẩm…
Những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Riêng năm 2023, toàn tỉnh có 2.200 hộ thoát nghèo, không có hộ tái nghèo, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Điểm nhấn trong công tác giảm nghèo năm qua là các địa phương đã thực hiện lồng ghép chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo lên tới 309 tỷ 499 triệu đồng, trong đó nguồn đầu tư phát triển 221 tỷ 962 triệu đồng và vốn sự nghiệp 87 tỷ 537 triệu đồng. Từ các nguồn hỗ trợ này, với sự trợ giúp của cộng đồng, hầu hết hộ nghèo đã nỗ lực vươn lên, tự tạo việc làm để phấn đấu thoát nghèo, coi đó là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ với cộng đồng. Bên cạnh những mô hình hay, điểm sáng trong giảm nghèo, tại một số địa phương, do việc triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo chưa sâu sát, có nơi diễn ra tình trạng cây - con giống không đảm bảo hoặc không hướng dẫn người dân cặn kẽ. Thậm chí một bộ phận người nghèo vẫn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, thiếu ý chí vươn lên. Như vậy, không chỉ là “trao cần câu” mà còn phải chỉ cho người nghèo biết cách câu và kích thích lòng tự hào, tự tôn của mỗi hộ nghèo.
Chuyện “con cá” hay “cần câu” trong giúp nhau giảm nghèo không phải bây giờ mới được đúc kết. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ của cha ông ta truyền lại, đã có những câu rất hay, đúc kết cách hỗ trợ nhau làm ăn từ nhiều đời: “Cho vàng không bằng chỉ đàng làm ăn”, “Đầu năm buôn muối, cuối năm buôn vôi”, “Nhà giàu mua vải tháng Ba/ Bán gạo tháng Tám mới ra nhà giàu”… Xưa, nhiều người thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ mưu mẹo và may mắn. Nay, quy luật của nền kinh tế thị trường rất ít chỗ cho cái “may” hay cái “mẹo” mà phải làm thật, làm giỏi mới thích ứng. Trong điều kiện ấy, giúp người nghèo thoát nghèo không đơn giản là cho bao nhiêu mà phải là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Đó là từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS; tăng cường và thay đổi cách thức tuyên truyền, để người nghèo, đồng bào DTTS nâng cao ý thức tự tôn, biết khao khát và nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Theo BPO