“Rừng đã cháy, và rừng đã héo
Em hãy ngủ đi
Rừng đã khô, và rừng đã tàn
Em hãy ngủ đi”
Có lẽ chưa bao giờ, lời hát ấy ứng nghiệm đến thế. Giống như lá phổi của một người hít khói thuốc lá lâu ngày, từ năm 1990, cứ mỗi tiếng đồng hồ trôi qua, rừng – lá phổi xanh của Trái đất – mất đi diện tích bằng 1,000 sân bóng đá. Thế nhưng, chúng ta đã và đang mất bao nhiêu tiếng để trồng lại chỉ một cánh rừng có diện tích bằng một sân bóng đá?
Vừa qua, tại Ấn Độ, 2 người đã chết vì ngồi trên tàu hỏa không điều hòa khi đi ngang qua vùng đất có mức nhiệt duy trì trong suốt 2 tuần là xấp xỉ 45 độ Celsius. Tại Việt Nam, người dân quanh khu vực hồ trung tâm thành phố Bảo Lộc và hồ điều tiết Thạc Gián (Đà Nẵng) đã chứng kiến hiện tượng cá chết hàng loạt vì nắng nóng làm nước hồ mất oxy. Tâm lí người dân lâu nay đã thích nghi với quan điểm rằng, nhiệt độ sẽ tăng cao lên sau mỗi năm. Tuy nhiên, chúng ta chưa thực sự chuẩn bị tâm lí cho một sự thật khắc nghiệt hơn: với “sự tiến bộ bền vững” của nhiệt độ và lượng khí thải như hiện nay, “biến đổi khí hậu có thể chấm dứt nền văn minh nhân loại vào năm 2050” (trích báo Người Lao Động).
Có nhiều hơn một nguyên nhân dẫn đến sự tăng cao của nhiệt độ, đe dọa sự sống của toàn bộ các loài sinh vật trên hành tinh. Trong đó, con người chúng ta mỗi ngày đều sử dụng năng lượng hóa thạch để vận hành các phương tiện giao thông, điện lạnh, nhà máy, chặt phá rừng để chăn nuôi, trồng trọt, hủy hoại hệ sinh thái của rất nhiều loài sinh vật, và thải ra một lượng lớn khí CO2, tích tụ nhiệt trong không khí – nguyên nhân chính gây nên sự nóng lên báo động trên toàn cầu hiện nay. Đứng trước thực trạng đó, chúng ta có thể làm gì?
Liệu chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm sự tiện nghi bằng việc tận lực khai thác các nguồn nguyên – nhiên liệu để phục vụ cho các nhu cầu cá nhân, và từng ngày đạp ga cho sự khủng hoảng khí hậu toàn cầu?
Liệu chúng ta sẽ hy vọng vào việc các nhà khoa học có thể sáng chế thần tốc và thay thế toàn bộ máy móc trên toàn cầu bằng các thiết bị “không khí thải”? Trong suốt thời gian chờ, chúng ta tiếp tục hồn nhiên đốt nóng Trái đất – ngôi nhà chung của chính mình?
Liệu chúng ta vẫn cứ đều đặn sống như trước giờ, vì chẳng còn cách nào nữa đâu?
Nhưng không, chúng ta vẫn còn hi vọng!
Đó là Rừng!
Chúng ta cần gấp rút khôi phục lại các tế bào của lá phổi xanh cho Trái đất. Từ năm 1750, lượng khí CO2 tích tụ trong không khí liên tục tăng lũy tiến 40% mỗi năm, và không hề có dấu hiệu dừng lại. CO2 đóng vai trò tích trữ nhiệt lượng lại trên Trái đất, thay vì để chúng thất thoát ra ngoài vũ trụ. Nhờ sự gia tăng của diện tích rừng, lượng CO2 trong không khí sẽ được hấp thụ lại, đồng nghĩa với lượng nhiệt tích trữ được giảm đi. Nhưng bằng cách nào mà, trong 30 năm, chúng ta có thể khôi phục lại điều đã bị tàn phá với tốc độ lũy tiến trong suốt 300 năm qua?
Có lẽ chưa lúc nào như hôm nay, chúng ta tha thiết nói với nhau về tình đoàn kết! Đó không còn chỉ là sự đoàn kết để bảo vệ độc lập cho một dân tộc nào, mà là đoàn kết để chắt chiu sự sống cho cả hành tinh. Có lẽ chưa lúc nào như hôm nay, chúng ta nên dần bỏ lại những tính toán vị kỷ và phiền muộn, mà gấp rút bắt tay nhau để phủ lại màu xanh cho lá phổi đã hấp hối của Trái đất. Chưa lúc nào như hôm nay, chúng ta nên đối diện lại và vượt qua bản năng hưởng thụ của chính mình, để thúc đẩy nhau ráo riết và chặt chẽ trồng lại những cánh rừng, ươm lại những mầm xanh đang thoi thóp.
Philippines đã ra điều kiện buộc mỗi học sinh có nghĩa vụ trồng cây trước khi được tốt nghiệp. Bhuttan đón mừng sự ra đời của hoàng tử bằng việc trồng 108,000 cây xanh. Có lẽ đã đến lúc, ý thức về trồng rừng nên trở thành yếu tố quan trọng để nhìn nhận giá trị của một con người? Có lẽ đã đến lúc, đạo đức nghề nghiệp của các vị bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, viên chức, v.v… nên có thêm một tiêu chuẩn là sự quan tâm tới trồng rừng? Có lẽ đã đến lúc, các tội phạm được có một hình thức cải tạo mới là trồng và bảo vệ lại lá phổi xanh của nhân loại? Bởi vì, chúng ta chỉ còn xấp xỉ 30 năm để chuộc lại sự phí phạm và thờ ơ của suốt 300 năm qua.
Con người chúng ta sinh ra từ rừng, và rừng chưa bao giờ ngừng cho ta nhiều ân nghĩa. Ta lấy mùn gỗ làm giấy, lấy thân cây làm nhà, lấy lá làm thuốc, lấy trái cây làm thực phẩm, lấy tiếng chim ca làm niềm vui, và lấy không khí để thở. Không còn lúc nào ngoài lúc này, để chúng ta còn được thể hiện lại lòng biết ơn của mình với chiếc nôi đã nuôi nấng nhân loại. Không còn lúc nào ngoài lúc này, để mỗi người chúng ta mở lòng mình, chan hòa với nhau, đoàn kết với nhau, cùng nhau trồng lại sự sống cho hành tinh.
H.T tổng hợp từ nguồn SPKY