Trước thất bại thảm hại đó, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ngoan cố ra lệnh cho ngụy quân Sài Gòn: "Phải giữ Buôn Ma Thuột bằng bất cứ giá nào". Nhưng trước sức tấn công như vũ bão của quân ta, quân địch đã rút chạy khỏi Tây Nguyên về đồn trú ở các tỉnh ven biển miền Trung.
Khi quân ngụy chạy được vào Huế, Nguyễn Văn Thiệu lên Đài truyền hình Sài Gòn tuyên bố sẽ bảo vệ Huế đến cùng. Khi tàn quân ngụy tẩu thoát đến Đà Nẵng thì Tổng thống Thiệu lại hò hét: "Tử thủ Đà Nẵng". Khi tàn quân ngụy chạy đến Nha Trang thì Tổng thống Thiệu mật đàm với Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên rằng: "Bỏ Nha Trang, Cam Ranh thì bằng mọi giá phải giữ lấy Phan Rang. Còn Phan Rang thì máy bay của ta còn cản đánh được tới Đà Nẵng, mà mất Phan Rang thì Cộng sản có thể dùng sân bay ở đó đánh tới Sài Gòn này...". Nhưng quân ngụy làm sao cản được dòng thác "thần tốc, táo bạo, bất ngờ" của quân và dân ta.
Thất bại cay đắng về quân sự, Tổng thống Thiệu đã mất sự ủng hộ của các nhà chính trị trung lập lẫn các nhà lãnh đạo quân sự của ngụy quân và không được ông chủ Mỹ làm ô dù nữa.
20 giờ 5 phút tối 21-4-1975, mặc chiếc áo hở cổ, Tổng thống Thiệu đứng trước cuộc họp gồm 200 người là tổng trưởng, thứ trưởng, tướng lĩnh, dân biểu... tại Dinh Độc Lập, đã đọc một bài diễn văn từ chức rõ dài, nhiều lần điểm xuyết bằng những giọt nước mắt, nhiếc móc Hoa Kỳ "là chơi không đẹp, là vô lương tâm, là vô nhân đạo, là vô trách nhiệm...". Thiệu còn bảo: "Các ông bỏ chạy, bắt buộc chúng tôi phải làm cái việc mà chính các ông cũng không làm nổi". Và đúng 20 giờ 45 phút, Thiệu tuyên bố từ chức, trao quyền cho Trần Văn Hương, một ông già 71 tuổi, ốm đau và gần như mù lòa, chấp chính.
Trong bảy ngày Trần Văn Hương lên ngôi, các chính trị gia Nam Việt Nam và các cố vấn Mỹ, Pháp đấu đá nhau kịch liệt để đưa người ra thay Hương.
Giữa lúc ấy, ngày 25-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu đã phải nhục nhã ra sân bay trong đêm tối, rồi lên một máy bay cùng với những hòm của cải to lớn mà hắn kiếm được trong thời gian làm Tổng thống ngụy quyền, chuồn thẳng sang Đài Loan.
17 giờ 50 phút ngày 28-4-1975, Trần Văn Hương lên đài tuyên bố từ chức để trao lại ghế Tổng thống cho Dương Văn Minh. Dương Văn Minh liền tuyên bố thả tù chính trị, đòi Mỹ rút quân trong 24 giờ... nhằm thể hiện "thiện chí" thương thuyết với cách mạng. Các tướng lĩnh, nhân vật chóp bu Sài Gòn tranh nhau tìm đường bôn tẩu. Sài Gòn rơi vào hỗn loạn, trực thăng nối đuôi nhau lên xuống khắp thành phố để rước bọn Mỹ và tay sai. Hơn 6.000 người Việt Nam và 1.373 người Mỹ được di tản bằng trực thăng trong cuộc "hành quân cơn lốc". Cuối cùng, vào lúc 5 giờ sáng ngày 30 tháng 4, đại sứ Mỹ Martin buộc phải rời Sài Gòn theo lệnh của Nhà Trắng. Khoảng 420 người bị bỏ lại trong khu vực rào kín của Tòa đại sứ Mỹ, khi chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh vào lúc 5 giờ 30 sáng ngày 30-4-1975.
Vào thời điểm trên, Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng quân ngụy Sài Gòn, đã tái mặt khi nghe chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh báo cáo tình hình. Vĩnh Lộc chưa kịp bắt tay Nguyễn Hữu Hạnh và tướng Nguyễn Hữu Có để vội vã "chuồn", sau khi điện cho Dương Văn Minh.
6 giờ sáng ngày 30-4, Dương Văn Minh phải lên xe đến gặp Nguyễn Văn Huyền, Phó Tổng thống và Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, để bàn phương án cuối cùng. Hai viên tướng cao cấp còn bên cạnh Dương Văn Minh khi ấy là Nguyễn Hữu Hạnh và Nguyễn Hữu Có đã không còn xe và tài xế vì chúng đã bỏ chạy.
9 giờ 30 phút cùng ngày, băng ghi âm của Dương Văn Minh và "nhật lệnh" của Nguyễn Hữu Hạnh được thu vào hệ thống phát sóng tự động, nội dung kêu gọi binh sĩ Sài Gòn buông súng, bàn giao chính quyền.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, xe tăng Quân giải phóng đã húc đổ hai cánh cổng sắt, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập trong tiếng hò reo vang trời dậy đất. Tổng thống Dương Văn Minh cùng 45 người trong chính quyền ngụy đã đầu hàng vô điều kiện. Ngọn cờ giải phóng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, khẳng định sự thống nhất đất nước trải qua cuộc chiến tranh 30 năm của dân tộc Việt Nam.
Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng như sau: "Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân lực Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương giải tán hoàn toàn, giao toàn bộ chính quyền từ Trung ương đến địa phương cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam".
Lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện của Dương Văn Minh được phát trên sóng của Đài Phát thanh Sài Gòn vào lúc 13 giờ ngày 30-4-1975 và truyền đi khắp nước.
Phóng viên người Đức là Ghe-lét-sơ đã ghi âm lời tuyên bố đó. Liền sau đó, phóng viên hãng UPI (Mỹ) đánh máy ngay điện hỏa tốc và trao nó cho nhân viên điều khiển máy tê-lê-típ. Bốn mươi giây sau, chuông của 7.500 máy tê-lê-típ vòng quanh thế giới reo lên 10 lần. Đám đông tụ tập lại trước mỗi máy và đây là cái họ đọc được:
"ZCZC VILAO 25 NXI
Hỏa tốc...
Sài Gòn - Chính phủ Sài Gòn đầu hàng.
NTL 1021 sáng".
Điện hỏa tốc luôn được lặp lại để tránh trường hợp nhầm lẫn hoặc giả mạo. Sau đó 60 giây, lại tiếp một bản tin:
"ZCZ NNV
Bản tin.
Hòa bình - 30-4
của Alen Dowson
Sài Gòn - 30-4 (UPI) Tổng thống Dương Văn Minh hôm nay ra thông báo Nam Việt Nam đầu hàng và ra lệnh binh sĩ thuộc chính quyền ngừng chiến đấu.
NTL 1002 sáng".
Các bức điện hỏa tốc và bản tin hỏa tốc được kịp thời truyền rộng ra khắp thế giới.
Dương Văn Minh, sau giờ phút nói trên, có vẻ ủ rũ, tư lự và hai má tóp lại. Những người thân tín của Minh cũng vậy.
Nguồn: Bình Phước Online