Bác Hồ trên đường đến Quảng trường Hòa Bình, thành phố Nam Định, sáng 22-5-1963.
Tháng 7-1962, tôi được tuyển vào Trường Y sĩ Nam Định khóa Y13, không phải qua khâu thi tuyển. Giai đoạn này, tỉnh Nam Định đang là một trong những điển hình ở nước ta, nhất là về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa, xã hội nên tỉnh vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm.
Chiều 21-5-1963, Ban giám hiệu nhà trường thông báo: “Tối nay, các lớp, các khối nghỉ, không ôn bài, không cười đùa, không nói to, đi ngủ sớm. Đúng 3 giờ sáng 22-5, cán bộ, sinh viên toàn trường thức dậy, gấp chăn màn, vệ sinh cá nhân xong, khẩn trương mặc quần áo nghiêm chỉnh rồi xuống sân trường tập hợp, xếp hàng thành đội ngũ theo từng lớp, từng khối. Sau đó, cả trường cơ động ra quảng trường thành phố đón Bác Hồ và các vị lãnh đạo của Trung ương về thăm...”.
Hồi hộp, xúc động! Mong cho trời nhanh sáng để được gặp Bác nên chẳng mấy người ngủ được mà cứ thấp thỏm chờ đến giờ quy định. Bỗng có tiếng gọi nho nhỏ của trực ban: “Dậy! Dậy thôi!” từ phòng này qua phòng khác, qua mấy tòa nhà 4 tầng... Lập tức chúng tôi bật dậy, gấp chăn màn rồi khẩn trương vệ sinh cá nhân, mặc quần áo. Không ai nói năng gì, chỉ nghe thấy hơi thở gấp gáp, hối hả và tiếng sột soạt của mọi người đang mặc quần áo. Không ai giục ai. Người nào xong trước cứ tự động ra khỏi phòng, xuống cầu thang. Rồi tự động đứng xếp thành hàng theo lớp, khối của mình...
Chúng tôi ra đến cổng trường, không gặp một người nào qua lại. Đối diện với trường chúng tôi là Trường Trung cấp sư phạm 10+1 lặng ngắt như tờ. Thì ra các bạn bên này đã đi trước rồi. Hơn 800 người chúng tôi lặng lẽ bước trên con đường số 10 liên tỉnh Nam Định-Thái Bình đoạn chạy qua TP Nam Định. Sau hơn 20 phút hành quân, chúng tôi có mặt tại Quảng trường Hòa Bình của TP Nam Định. Các bộ phận khác như khối: Nông dân, công nhân, thanh niên, phụ nữ, học sinh cấp III, thiếu nhi... đã có mặt từ lúc nào. Lúc chúng tôi đến nơi thì họ đã tề tựu đông đủ, xếp thành hàng, từng khối vuông vắn theo đúng vị trí của đoàn thể mình mà ban tổ chức đã quy định. Khối của trường chúng tôi may mắn được đứng chính giữa đội hình, chỉ cách kỳ đài khoảng 30m. Mà tôi lại được đứng ở ngay hàng thứ nhất. Không khí buổi sớm thật trong lành, mát mẻ. Ai cũng cảm thấy hồ hởi, phấn chấn và rất hồi hộp, mong chờ Bác Hồ đến.
Đúng 6 giờ, một tiếng hô “Nghiêm!” dứt khoát vang lên từ chiếc loa trên khán đài.
Tại quảng trường, mọi người nhất nhất nghiêm trang, mắt hướng lên khán đài chờ đợi...
Rồi giờ phút mong chờ đã đến. Bác đi cùng với các vị lãnh đạo của tỉnh bước lên kỳ đài.
Cả quảng trường vang lên những tràng vỗ tay giòn giã. Bác mỉm cười, vẫy tay ra hiệu cho mọi người ngừng tay, rồi Bác nói:
- Thưa đồng bào! Được Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh báo cáo, tỉnh ta cày cấy, thu hoạch rất khá, Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ nhiệt liệt hoan nghênh. Mong bà con cố gắng hơn nữa để bồ thóc của ta ngày nào cũng đầy ắp. Chú ý đề phòng thiên tai, dịch bệnh, địch họa...
Cả hàng nghìn người im lặng lắng nghe lời Bác. Tôi nhớ Bác căn dặn: Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ cố gắng phát huy tinh thần Bà Trưng, Bà Triệu; hội nông dân sản xuất giỏi hơn nữa. Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam hăng hái trong mọi lĩnh vực công tác. Công nhân nhà máy dệt làm ra được nhiều vải cung cấp cho quân đội và nhân dân lúc nào cũng được mặc lành, mặc đẹp. Các cháu thiếu nhi chăm ngoan, cố gắng học thật giỏi... Lần sau, Bác lại về thăm...
Nói xong, Bác vừa giơ tay vẫy chào rồi bước vào phía sau kỳ đài.
Mọi người ở quảng trường như bỗng bừng tỉnh, vỗ tay rào rào và hô vang: “Chúc Bác khỏe!”, “Bác Hồ muôn năm!”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!”...
LÊ HOÀI THAO - Báo QĐND