Cuộc họp báo được tiến hành với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng; sự điều hành của Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng chủ trì cuộc họp báo.
Bổ sung 5 nhóm đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế
Cụ thể, theo thông tin tại cuộc họp báo, ngày 3-6-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế. Đây là nghị định do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20-7-2023.
Nghị định đã bổ sung 5 nhóm đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế. Một là nhóm cán bộ, công chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Hai là nhóm người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền theo yêu cầu của Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15.
Ba là nhóm cán bộ, công chức, viên chức trong năm trước liền kề được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ, tự nguyện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh trả lời báo chí.
Bốn là nhóm cán bộ, công chức, viên chức trong năm xét tinh giản biên chế được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống, tự nguyện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Năm là nhóm cán bộ, công chức, viên chức trong năm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội, cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Khuyến khích cán bộ, công chức dôi dư nghỉ hưu trước tuổi
Nghị định điều chỉnh điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã có từ đủ 15 năm và dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đảm bảo phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019.
Đồng thời bổ sung chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Với nhóm đối tượng này khi nghỉ hưu trước tuổi thì ngoài hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội còn được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu; được trợ cấp 5 tháng tiền lương bình quân cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Nội vụ đã thông tin về các chính sách mới liên quan tới tinh giản biên chế được áp dụng từ ngày 20-7 tới.
Nghị định cũng bổ sung nhiều chính sách với đối tượng tinh giản biên chế dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp.
Chưa đề xuất sáp nhập bộ, ngành
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ Nội vụ chưa đề xuất với cấp có thẩm quyền về sáp nhập bộ, ngành.
Theo quy định Chính phủ phải có kế hoạch thể chế hóa Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 27, trong đó có đưa vào chương trình, mục tiêu để nghiên cứu xây dựng trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy bảo đảm nguyên tắc tinh giản, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục chồng chéo...
Tuy nhiên, đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, động chạm đến cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu của Chính phủ, nên cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng và phải qua nhiều vòng. Bộ Nội vụ sẽ căn cứ vào việc thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương để tham mưu cho Chính phủ, tham mưu cho cấp có thẩm quyền để tính tới cơ cấu Chính phủ khóa XVI.
Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức-Biên chế/Bộ Nội vụ Trần Văn Khiêm giải thích thêm, việc xây dựng đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XVI phải trên cơ sở tổng kết 20 năm cơ cấu Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV và báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi Chính phủ trình Quốc hội theo quy định. Các văn bản hiện mới là dự thảo trình Chính phủ để xin ý kiến các thành viên Chính phủ.
Theo Báo QĐND