Nỗ lực vượt khó hỗ trợ người dân
Để tổ chức thực hiện chi trả chế độ cho người thụ hưởng theo quy định, các huyện, thị xã, thành phố đều thành lập Ban chỉ đạo (do UBND huyện chủ trì) và các đoàn giám sát (do MTTQVN huyện chủ trì). Đối với cấp xã, thành lập các tổ rà soát, lập danh sách (do Chi bộ và Ban điều hành ấp chủ trì) và tổ tuyên truyền; tổ giám sát ở xã, thôn, ấp, khu phố (do Ban công tác Mặt trận chủ trì). Nhiều đơn vị chủ động tích cực có nhiều biện pháp cách làm hay, tích cực như: Thị xã Bình long, huyện Hớn Quản chỉ đạo cho các cấp, các ngành tập trung phối hợp thực hiện, tăng cường lực lượng hỗ trợ cho bộ phận trực tiếp rà soát, lập danh sách và chi trả; danh sách được rà soát, lập đúng quy trình hướng dẫn. Huyện Chơn Thành mời cán bộ Sở LĐTB&XH về địa phương tổ chức phổ biến, giải thích, hướng dẫn cho cán bộ và lực lượng tham gia từ huyện, đến khu dân cư. Xã Minh Thắng của huyện Chơn Thành đã hoàn thành việc rà soát, lập danh sách các đối tượng khó khăn được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với quy trình, thủ tục hồ sơ đảm bảo theo công văn 685/SLĐTBXH-VP ngày 28/4/2020 của Sở Lao động, thương binh, xã hội. Danh sách các đối tượng được thụ hưởng từ lúc rà soát, lập danh sách, công khai niêm yết đến chi trả đều có sự tham gia giám sát của MTTQVN cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư .
Tính đến ngày 14-5, toàn tỉnh đã thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ cho 36.856/37.397 lượt người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người bán vé số được chi trả tiền hỗ trợ. Số còn lại người chưa nhận vì không có mặt ở địa phương hoặc đang điều trị bệnh không đến điểm nhận.
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo Nghị quyết số 42/NQ-CP có 7 nhóm đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên đến thời điểm giám sát, ở các địa phương mới chi trả cho 4 nhóm đối tượng là: hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng Bảo trợ xã hội; người bán vé số dạo; người có công với cách mạng, gia đình chính sách. Các đối tượng còn lại, các địa phương đang tiến hành khảo sát, lập danh sách.
Việc lập danh sách các nhóm đối tượng thụ hưởng đợt đầu do chưa nắm chắc tiêu chuẩn đối tượng nên còn trùng lặp chế độ giữa nhóm đối tượng là người có công và đối tượng bảo trợ xã hội và đã khắc phục, cụ thể như: Phú Riềng có 38 đối tượng; Bù Gia Mập có 88 đối tượng; Phước Long có 34 đối tượng; Đồng Xoài có 41 đối tượng; Bù Đốp có 28 đối tượng. Một số người bán vé số dạo chưa được thụ hưởng chính sách (như: huyện Bù Đốp, Phước Long; Phú Riềng: Bù Gia Mập…) đến thời điểm giám sát, các huyện đã lập danh sách kiến nghị tỉnh hỗ trợ bổ sung. Nguyên nhân thiếu sót là do người trực tiếp bán vé số lấy vé số qua người đại diện đăng ký với đại lý, do vậy họ chưa được hỗ trợ chính sách. Qua rà soát, các xã, phường, thị trấn phát hiện và đề nghị các đại lý xác nhận, lập danh sách đề nghị tỉnh hỗ trợ đợt 2. Danh sách người bán vé số do công ty XSKT gửi các địa phương chưa chính xác về địa chỉ người thụ hưởng. Ví dụ: người bán vé số ở địa phương này nhận vé qua đại lý vé địa phương khác; danh sách thụ hưởng nằm ở đại lý địa phương khác mà hộ khẩu, số chứng minh nhân dân (CMND) lại ở địa phương họ cư trú, nên họ lại không được nhận, cụ thể như phường Phước Bình, Long Phước (TX Phước Long).
Việc thực hiện chi trả hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, người bảo trợ xã hội thông qua Bưu điện có những bất cập, như: nhân viên Bưu điện căn cứ vào danh sách và CMND để chi trả nên khó phát hiện được sự trùng lặp chế độ giữa đối tượng này với các đối tượng khác. Ở hầu hết các địa phương, việc rà soát danh sách đối tượng thụ hưởng trước khi chi trả do thời gian gấp, cho nên vẫn còn sót, trùng lặp đối tượng thụ hưởng; trong quá trình chi trả các địa phương đã cử người phối hợp cùng nhân viên Bưu điện đối chiếu lại mới phát hiện ra và đã khắc phục.
Ở một số địa phương, số lượng đối tượng được hưởng trợ cấp nhiều, số lượng nhân viên Bưu điện tham gia chi trả ít nên tiến độ chậm, kéo dài gây phiền hà cho đối tượng thụ hưởng. Một số đối tượng bảo trợ xã hội, do điều kiện, hoàn cảnh nên phải chi trả tại nhà, đã làm mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ chi trả.
Do phạm vi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng rộng, các đối tượng được hưởng ở các nhóm: người có công, người bảo trợ xã hội, người nghèo được hưởng từ 2 chính sách khá nhiều, nên việc rà soát, chống trùng lặp mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc triển khai chính sách hỗ trợ trước nay chưa có tiền lệ, nên trong quá trình thực hiện đôi lúc còn lúng túng, dẫn đến thời gian thẩm định, trình phê duyệt có khi chưa kịp tiến độ theo kế hoạch.
Việc rà soát lập danh sách các nhóm đối tượng: Người lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm)… các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các trường hợp người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, việc rà soát, xác minh thu nhập cho đối tượng này cũng mất rất nhiều thời gian và các địa phương chưa được hướng dẫn cụ thể.
Một số cán bộ thôn, ấp, khu phố chưa nắm vững các văn bản hướng dẫn, quy định, nên còn hạn chế trong tuyên truyền, phổ biến, thực hiện chính sách đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, người bán hàng rong, xe ôm…; dẫn đến một bộ phận nhân dân dân chưa hiểu, kiến nghị, phản ánh, đòi hỏi quyền lợi, làm cho việc rà soát, lập danh sách gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trọng Phước