* Thưa bác sĩ, hiện bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và đã có 3 trường hợp tử vong. Xin bác sĩ cho bạn đọc Báo Bình Phước online hiểu hơn về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này?
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Anh Tuấn: Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên vẫn có thể gặp ở trẻ vị thành niên và người lớn. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hay nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện của bệnh có thể từ nhẹ đến nặng như sốt (có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 39oC), hắt hơi, sổ mũi, viêm Amidan, mệt mỏi, ăn kém. Khám họng thường có giả mạc màu trắng ở hầu họng, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Hai biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là khi có sự tác động của vi khuẩn gây viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Biến chứng thứ nhất là viêm cơ tim. Khi gặp biến chứng này, người bệnh thường xuyên có biểu hiện mệt mỏi, tức ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim, ngất đột ngột. Biến chứng có thể xảy ra vào giai đoạn toàn phát hoặc sau khi khỏi bệnh vài tuần và thường có tiên lượng xấu với tỷ lệ tử vong khá cao.
Biến chứng thứ 2 là viêm dây thần kinh. Tức, khi vi khuẩn lưu trú trong các dây thần kinh, nhất là thần kinh vận động sẽ có các biểu hiện như liệt màn khẩu cái ở tuần thứ ba, liệt các dây thần kinh mãn nhãn, cơ, chi, liệt cơ hoành cơ thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp. Đây là các biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu.
* Bình Phước từng là địa phương có điểm nóng về bệnh bạch hầu và chúng ta đã khống chế thành công dịch bệnh nguy hiểm này chỉ trong thời gian ngắn. Vậy, bác sĩ có thể chia sẻ về bí quyết, cũng như phương án xử lý các ổ dịch của tỉnh về bạch hầu trong thời gian qua?
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Anh Tuấn: Có thể nói, năm 2016 chúng ta đã khống chế và xử lý triệt để các ổ dịch bạch hầu trên địa bàn tỉnh là do có sự quan tâm chỉ đạo và sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác chống dịch, đáp ứng kịp thời kinh phí để triển khai các hoạt động chống dịch. Bên cạnh đó, sự quan tâm của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, Viện Pasteur TP.HCM, các bệnh viện Nhiệt đới, Nhi Đồng I và Trường Đại học Y - Dược TP.HCM trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch bạch hầu trên địa bàn tỉnh trong suốt thời gian xảy ra dịch. Đồng thời có sự tham gia tích cực của cán bộ ngành y tế từ tuyến tỉnh, huyện, xã đến mạng lưới cộng tác viên, y tế thôn bản. Đặc biệt sự chỉ đạo trực tiếp từ chính quyền địa phương các xã có ca bệnh trên địa bàn huyện Đồng Phú cũng như UBND huyện Đồng Phú trong công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp dập dịch.
Ngoài ra, còn có sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương trong công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng như định hướng dư luận làm cho người dân không hoang mang lo lắng mà chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.
Về phương án xử lý các ổ dịch, chúng tôi đã tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur TP.HCM, đó là điều tra, giám sát ca bệnh, người tiếp xúc, xác định đối tượng nguy cơ cao khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch bằng các biện pháp như sử dụng kháng sinh dự phòng cho mọi người dân trong vùng dịch. Bên cạnh đó, kết hợp tiêm vắc-xin có thành phần bạch hầu cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, xử lý môi trường bằng hóa chất khử khuẩn. Tuyên truyền để người dân hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của bệnh, trên cơ sở đó người dân tích cực hưởng ứng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế. Đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo dịch để nhận được sự chỉ đạo kịp thời diễn biến dịch bệnh tại địa phương từ Cục Y tế dự phòng và Viện Pasteur TP.HCM.
* Vậy qua kinh nghiệm của Bình Phước, cùng với tình hình hiện tại, bác sĩ có thể đưa ra những khuyến cáo để người dân và các ngành chức năng, chính quyền các cấp chủ động phòng ngừa, đối phó với bệnh bạch hầu trong tình hình hiện nay, thưa bác sĩ?
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Anh Tuấn: Hiện nay, việc tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất. Người dân cần phải đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đủ mũi tiêm và đúng lịch. Cụ thể, mũi 1 tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi, mũi 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng, mũi 3 sau mũi thứ hai 1 tháng, mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi.
Trong sinh hoạt hành ngày, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Đối với chính quyền các cấp, cần chỉ đạo y tế triển khai thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn; đầu tư kinh phí để triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Khi có dịch chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể cùng với ngành y tế tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!
Nguồn: Bình Phước Online