Và đó cũng đang là hướng phát triển của huyện Bù Đốp. Bởi vì du lịch sinh thái là một hình thức kinh doanh du lịch dựa trên những tài nguyên thiên nhiên của địa phương để kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển nội lực và gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của thiên nhiên gắn với phát triển kinh tế bền vững.
Huyện Bù Đốp hội tụ đầy đủ những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch sinh thái gắn với chương trình OCOP, với diện tích tự nhiên 37.926 ha, đường biên giới dài 73,3 km, giáp với Vương quốc Campuchia, với 02 cửa khẩu; 1 cửa khẩu Quốc gia Tân Thành, cửa khẩu Hoàng Diệu. Đặt biệt diện tích rừng tự nhiên rộng lớn và bao quanh là hệ thống sông nước của hai con sông lớn ( sông Bé, sông Đắk Quýt) và lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Tạo ra một cảnh thiên nhiên hoang sơ với các loại thú rừng và không khí trong lành, mát mẻ. Đây chính là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái khám phá. Bù Đốp đang có 07 sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp tỉnh, trong đó 05 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt 03 sao, 02 sản phẩm được công nhận 04 sao. UBND huyện đang triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Có thể thấy, việc phát triển du lịch sinh thái gắn với các sản phẩm nông nghiệp là hướng đi cần thiết và quan trọng trong thời gian tới của huyện Bù Đốp. Tuy nhiên để làm được điều đó, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Bù Đốp cần phải có một quyết tâm mạnh mẽ, trước hết cần tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp sau:
Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường dẫn vào khu vực bán ngập lòng hồ thủy điện Cần Đơn và duy tu, sửa chữa kịp thời các tuyến đường liên xã để đảm bảo kết nối thông suốt các địa điểm du lịch, các di tích lịch sử; xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạng nghĩ dưỡng tại nhưng điểm du lịch;
Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới và chương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa của các dân tộc bản địa gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Như: Lễ hội “Mừng lúa mới” của đồng bào S'Tiêng; Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer; đặc trưng văn hóa Đàn tính, hát then của đồng bào khu vực phía Bắc du nhập và phát triển ở một số thôn/ấp trong huyện; mỗi địa phương triển khai xây dựng nhà trưng bày, sưu tầm lưu giữ văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Tuyên truyền, vận động nhân dân cùng nhau thực hiện về du lịch sinh thái và chương trình OCOP trên địa bàn huyện. Từ đó, cùng nhau phát triển và thu lợi từ du lịch tại địa phương. Đây được xem là giải pháp lâu dài và tiềm năng để phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động trang trí đô thị, xây dựng các tuyến đường chuyên kinh doanh các mặt hàng lưu niệm, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao.
Tăng cường các hoạt động đối ngoại như Hội đàm, Hội thảo, giao lưu giữa nhân dân hai bên biên giới Việt Nam, Campuchia, thông qua đó, tăng cường các quan hệ hợp tác cùng phát triển du lịch.
Tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư, tăng cường liên kết, ký kết hợp tác giữa huyện với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Xây dựng du lịch sinh thái gắn với Chương trình OCOP là bước đi đúng đắn cần được tập trung nguồn lực thực hiện để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ diện tích rừng và động vật quý hiếm tại địa phương.
Thanh Thuỷ