Trung tá Phan Văn Quỳnh – tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước vào ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật
Để giải quyết các nhiệm vụ cấp bách về PCCC và CNCH và để đáp ứng được yêu cầu công tác hiện nay. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH duy trì công tác trực 24/24 giờ, chuẩn bị sẵn sàng cho công tác chữa cháy và CNCH; Tăng cường công tác phòng cháy; Tại các Đội nghiệp vụ trực thuộc đơn vị tăng cường làm thêm giờ vào các buổi tối, các ngày cuối tuần, các ngày lễ; bám sát địa bàn, cơ sở...Tổ chức nhiều hoạt động mang tính quần chúng, từ đó lồng ghép tuyên truyền PCCC và CNCH.
Cơ sở y tế khám chữa bệnh được xây dựng thường là nhà tầng (điển hình là Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh…), được phân ra nhiều khu vực, mật độ người tập trung đông, chủng loại và khối lượng chất cháy nhiều, đa dạng. Việc triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, CNCH gặp nhiều khó khăn.
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đưa ra một số khuyến cáo trong công tác PCCC và CNCH tại trung tâm khám chữa bệnh, bệnh viện trên địa bàn tỉnh:
1. Quản lý, sử dụng nguồn lửa và nguồn nhiệt: Tại khu vực căng tin bố trí nơi đun nấu đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC với các khu vực khác, sử dụng khí gas an toàn…
2. Hút thuốc lá đúng nơi quy định, không vứt tàn thuốc lá bừa bãi (Bảo vệ thường xuyên theo dõi và nhắc nhở mọi người chấp hành)
3. Trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho Đội PCCC cơ sở và Cán bộ, công nhân viên chức, bảo vệ...
4. Niêm yết bảng nội quy, quy định về PCCC ở từng khu vực và nhắc nhở cán bộ, nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chấp hành nghiêm
5. Lưu ý việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt như trong quá trình thi công, cải tạo các hạng mục công trình có sử dụng thiết bị hàn, cắt kim loại phải đảm bảo an toàn PCCC.
6. Ngắt điện ở những khu vực không cần thiết để giảm tải. Trong các kho chứa hàng hoá dễ cháy không được bố trí, trang bị hệ thống điện, bóng đèn, dây điện, ổ cắm điện…Nếu được phép thì nên trang bị hệ thống điện là loại phòng nổ.
7. Lắp đặt các thiết bị bảo vệ đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng, dây dẫn có tiết diện phù hợp hoặc tự ý lắp đặt thêm các thiết bị điện ngoài thiết kế ban đầu dẫn đến hiện tượng quá tải gây cháy (đấu nối thêm nhiều ổ cắm, nhiều dây dẫn điện trong phòng làm việc…). Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng kịp thời thay thế các thiết bị điện, dây dẫn điện hư hỏng.
8. Thực hiện đầy đủ thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định
9. Trang bị đầy đủ phương tiện PCCC và thường xuyên kiểm tra bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC định kỳ
10. Bố trí lực lượng PCCC cơ sở tuần tra, thường trực, kiểm tra kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra và lực lượng PCCC cơ sở phải được huấn luyện về nghiệp vụ PCCC.
11. Duy trì lối thoát nạn thông thoáng và bố trí phương tiện trên các đường thoát nạn (nên bố trí thêm khẩu trang lọc độc tại các khu vực kín, nơi tập trung nhiều người và nhiều bệnh nhân). Xây dựng các tình huống cháy cháy giả định tại các khu vực và luyện tập phương án chữa cháy, phương án thoát nạn cụ thể phù hợp với từng đặc điểm tại các khu vực đó. Không bố trí sắp xếp hàng hóa và các chướng ngại vật trên lối thoát nạn, gần thiết bị tiêu thụ điện và không xếp hàng hoá dễ cháy (nhựa, phim ảnh, bông, polymer tổng hợp…) ở chân cầu thang hoặc buồng gần cầu thang.
12. Các lối thoát nạn như hành lang, thang bộ, cửa đi…luôn duy trì thông thoáng, đảm bảo yêu cầu thoát nạn. Trang bị đầy đủ đèn chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn thoát nạn. Khuyến cáo không bảo quản các loại phim X quang và các loại hoá chất dễ cháy khác trong cùng dãy nhà điều trị bệnh nhân.
13. Tại khu vực để xe bố trí, sắp xếp gọn gàng và đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, khoảng cách thoát nạn theo quy định…Tại các khu vực đặt máy biến áp, máy phát điện phải bố trí tại các các phòng được ngăn cháy riêng biệt, có giải pháp chống tràn dầu, chống cháy lan khác.
14. Tại các khu vực có hệ thống làm việc dưới áp lực cao, có nhiều nguy hiểm cháy nổ như hệ thống các trang thiết bị làm lạnh, kho lạnh, hệ thống khí oxi đến các giường bệnh trong quá trình vận hành sử phải chấp hành nghiêm các quy định an toàn.
15. Đối với các phòng chụp X quang phải đảm bảo theo tiêu chuẩn thiết kế
16. Duy trì khoảng cách ngăn cháy, không tự ý cải tạo công trình khi chưa có ý kiến của Cơ quan Cảnh sát PCCC, giới hạn của khoang cháy phải được ngăn cách bằng tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, cửa chống cháy, màng nước ngăn cháy…
17. Duy trì bố trí van ngăn lửa và chèn kín bằng vật liệu chống cháy tại chỗ giao cắt giữa các đường ống kỹ thuật, đường cáp xuyên qua tường ngăn cháy, sàn ngăn cháy (Thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện tại các vị trí này)
18. Trang bị hệ thống báo cháy địa chỉ thông minh. Chức năng phát hiện báo cháy sớm, điều khiển liên động hệ thống chữa cháy tự động, thông gió, điều áp, cửa chống cháy, loa truyền thanh báo cháy...
19. Khi có cháy, báo động cho mọi người xung quanh biết, bằng cách hô to, đánh kẻng báo động, nhấn chuông báo cháy…Nhanh chóng tìm mọi cách ngắt nguồn điện nơi xảy ra cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ được trang bị để dập tắt đám cháy, ngăn chặn chống cháy lan. Tổ chức thoát nạn, cứu người và di chuyển tài sản. Đồng thời gọi điện thoại báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114, đến tham gia chữa cháy kịp thời.
Văn Mạnh – Thuý Hằng