Hình ảnh Hệ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bình Phước tham gia chữa cháy tại Nhà kho chứa hạt điều thuộc Chi nhánh Bình Phước - Công ty cổ phần tập đoàn Hanfimex Việt Nam xảy ra ngày (7-8-2024), địa chỉ xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước
Đã có nhiều vụ cháy lớn, cháy nghiêm trọng xảy ra do sự chủ quan lơ là, không chú trọng đến công tác PCCC, không tuân thủ các quy định về PCCC, đặc biệt là việc sử dụng điện tuỳ tiện không đảm bảo an toàn về PCCC, hết giờ sản xuất kinh doanh nhưng cơ sở chủ quan không ngắt các thiết bị điện trong nhà kho, xưởng; Một nguyên nhân chủ quan nữa là cháy xảy ra vào ban đêm, cơ sở không bố trí người trực PCCC hoặc có bố trí người trực nhưng người trực lại chủ quan lơ là không làm tròn trách nhiệm được giao, thiếu tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện cháy sớm…Đôi khi một số Người đứng đầu cơ sở còn buông lỏng quản lý, chỉ chú trọng đến công tác kinh doanh, không chú trọng đến công tác PCCC, việc thực hiện các quy định về PCCC chỉ mang tính đối phó với Cơ quan chức năng; chấp hành các quy định về PCCC không liên tục, hết giờ lao động sản xuất không kiểm tra các thiết bị điện trong nhà kho, nhà xưởng; không thực hiện theo đúng quy trình sử dụng điện an toàn về PCCC; Tại cơ sở bố trí Đội PCCC trực 24/24 giờ, đội này phải có hiểu biết, có năng lực về công tác PCCC, nắm rõ được đặc điểm, công năng sử dụng công trình, nắm được quy trình sản xuất, nắm được nguyên tác sử dụng điện an toàn về PCCC…
Ngoài ra trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác về PCCC và CNCH được quy định tại Điều 5 Luật PCCC và được cụ thể hóa tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024; Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 và Thông tư số 08/2018/TT-BCA ngày 05/3/2018 của Bộ Công an, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 32/2024/TT-BCA và văn bản pháp luật khác có liên.
Đối cơ sở khi đưa vào hoạt động, người đứng đầu cơ sở phải thực hiện các nội dung sau:
Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC và CNCH (điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP)
Ban hành nội quy PCCC và CNCH nội dung phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Quy định việc quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt phù hợp với cơ sở.
- Quy định trách nhiệm quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sử dụng phương tiện, thiết bị PCCC, căn cứ Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05/02/2021.
- Quy định những hành vi bị nghiêm cấm, căn cứ theo Điều 13 Luật PCCC.
- Các hành vi bị nghiêm cấm căn cứ theo Điều 6 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP.
- Những việc phải làm khi xảy ra sự cố, tai nạn, nội dung căn cứ theo khoản 1 Điều 13 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP;
- Việc bảo quản, sử dụng trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ (Điều 29 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP);
- Ban hành sơ đồ chỉ dẫn về PCCC; biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC và CNCH bảo đảm các nội dung quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 Thông tư số 149/2020/TT-BCA.
- Căn cứ quy mô, tính chất hoạt động, số lượng cán bộ, công nhân viên mà người đứng đầu cơ sở có thể trực tiếp chỉ đạo hoặc phân công thực hiện nhiệm vụ cho cá nhân, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện (có văn bản phân công nhiệm vụ).
- Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở tương ứng với loại hình cơ sở (điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP):
- Việc phân công nhiệm vụ cho đội PCCC cơ sở, bảo đảm theo quy định tại Điều 45 Luật PCCC, Điều 27 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP và yêu cầu PCCC và CNCH của cơ sở.
- Bố trí lực lượng PCCC cơ sở phù hợp với số người làm việc tại cơ sở và phải bảo đảm tối thiểu theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP
- Đội viên đội PCCC, người được phân công nhiệm vụ PCCC cơ sở: Là người làm việc thường xuyên tại cơ sở; đáp ứng yêu cầu về độ tuổi, sức khỏe theo pháp luật lao động
- Có phương tiện, thiết bị phục vụ trực, nhận tin, báo cháy, sự cố, tai nạn, như: điện thoại, bộ đàm; danh bạ điện thoại của cá nhân, đơn vị có liên quan; bản vẽ sơ đồ về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, hạng mục, dây chuyền công nghệ trong cơ sở; phương án chữa cháy của cơ sở...
- Quyết định, quy chế hoạt động của Đội PCCC cơ sở phải gửi đến cơ quan Công an trực tiếp quản lý cơ sở và lưu trong hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC và CNCH của cơ sở.
(căn cứ pháp luật: điểm a khoản 3 Điều 5 Luật PCCC, Khoản 2 Điều 5 và khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP)
- Đội viên Đội PCCC cơ sở phải được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH (điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP)
- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt (điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP)
- Người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở theo mẫu PC17 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP. Trường hợp, trong cơ sở có tình huống có thể xảy ra sự cố, tai nạn quy định tại Điều 5 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, cơ sở bổ sung tình huống trên trong phương án chữa cháy của cơ sở.
- Phân công ca trực PCCC đảm bảo 24/24 giờ, thường xuyên tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện khi có sự cố cháy nổ xảy ra và nhanh chóng báo động cho mọi người cùng biết, đồng thời thông báo qua số điện thoại 114
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC và CNCH:
- Tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến CBCNV tại cơ sở (tuyên truyền chung toàn cơ sở hoặc theo bộ phận, ca làm việc...); thông qua hệ thống loa truyền thanh của cơ sở.....
- Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với đối tượng, hình thức tuyên truyền (tuyên truyền lần đầu hoặc tuyên truyền hằng năm) với các nội dung cơ bản sau:
+ Các văn bản pháp luật về PCCC và CNCH, tập trung quy định về trách nhiệm PCCC và CNCH của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu, điều kiện an toàn PCCC và CNCH; hành vi vi phạm và hình thức xử lý vi phạm về PCCC và CNCH.
+ Kiến thức cơ bản về cháy, nguyên nhân thường dẫn đến cháy, nổ; phương pháp, biện pháp PCCC.
+ Đặc điểm, tính chất nguy hiểm cháy, nổ; nguy cơ xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn (trong hoạt động sản xuất, bảo quản, kinh doanh; sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; hàng hóa, chất dễ cháy, nổ…), biện pháp phòng ngừa và chuẩn bị các điều kiện để chữa cháy, CNCH.
Tổ chức trực chữa cháy, CNCH:
- Bố trí số lượng đội viên trực trong 01 ca phải bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ: Trực tiếp nhận, xử lý thông tin; trực chữa cháy, trực CNCH.
- Việc phân công lực lượng, phương tiện trực, bàn giao ca trực... cần được ghi nhận rõ trong sổ sách.
Định kỳ rà soát, kiện toàn đội viên của đội PCCC cơ sở, chuyên ngành và người được phân công nhiệm vụ PCCC của cơ sở bảo đảm số lượng theo quy định (cập nhật trong Quyết định).
(căn cứ pháp luật: Khoản 2 Điều 5 và khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP)
Tổ chức thực hiện nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC và CNCH:
- Định kỳ thực hiện phổ biến nội quy, quy định… cho CBCNV; niêm yết tại các khu vực dễ thấy, dễ nhận biết trong cơ sở.
- Niêm yết ở những nơi dễ thấy để mọi người biết và chấp hành, trong đó: Sơ đồ chỉ dẫn về PCCC niêm yết tại vị trí không bị che khuất hoặc giao nhau trên đường, lối thoát nạn; biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC và CNCH niêm yết tại nơi sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ, xăng, dầu, LPG, hóa chất dễ cháy, nổ.
- Quyết định và nội quy được lưu trong hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động về PCCC và CNCH của cơ sở.
(căn cứ pháp luật: khoản 1 Điều 5 Thông tư số 149/2020/TT-BCA, Điều 5 Thông tư số 08/2018/TT-BCA)
Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về PCCC và CNCH
- Quy định cụ thể nhiệm vụ thực hiện kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH thường xuyên tại cơ sở trong văn bản chỉ đạo hoặc kế hoạch kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH
- Báo cáo kết quả kiểm tra được lưu trong hồ sơ hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC và CNCH.
(Căn cứ pháp luật: Điều 45 Luật PCCC; khoản 3 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP; khoản 1 Điều 12 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP; Điều 8 Thông tư số 149/2020/TT-BCA).
Bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC, CNCH; trang bị và duy trì hoạt động của phương tiện PCCC
Dự trù và phê duyệt nguồn kinh phí hằng năm để bảo đảm cho hoạt động PCCC của cơ sở, cụ thể:
- Trang bị, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các hệ thống, thiết bị PCCC, CNCH tại cơ sở đã bị hư hỏng.
- Trang bị phương tiện PCCC cho Đội PCCC cơ sở theo quy định tại Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an.
- Bảo đảm chế độ, chính sách cho đội viên Đội PCCC cơ sở theo quy định của Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC.
- Tổ chức tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH; huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH; tổ chức chữa cháy, CNCH và các hoạt động khác có liên quan đến công tác PCCC và CNCH.
(Căn cứ pháp luật: Điều 45 Luật PCCC; khoản 3 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP; khoản 1 Điều 12 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP; Điều 8 Thông tư số 149/2020/TT-BCA).
Phổ biến, thực tập, bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy
Phổ biến và tổ chức thực tập phương án:
Tổ chức phổ biến phương án đã được phê duyệt cho đội PCCC cơ sở, CBCNV (thông qua các buổi tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ...);
Xây dựng kế hoạch, bảo đảm kinh phí và các điều kiện để tổ chức thực tập phương án.
- Việc thực tập phương án được tổ chức: Định kỳ ít nhất 01 lần/01 năm đối với phương án chữa cháy; đột xuất khi có yêu cầu bảo đảm về an toàn PCCC đối với các sự kiện đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tổ chức ở địa phương.
- Mỗi lần thực tập phương án chữa cháy có thể thực tập một hoặc nhiều tình huống khác nhau, nhưng phải bảo đảm tất cả các tình huống trong phương án lần lượt được tổ chức thực tập. Lực lượng, phương tiện có trong phương án khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ.
- Sau khi kết thúc thực tập phải tổ chức rút kinh nghiệm và có báo cáo kết quả tổ chức thực tập phương án.
- Phương án, kế hoạch, báo cáo kết quả thực tập phương án lưu trong hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC, CNCH của cơ sở.
- Kế hoạch tổ chức thực tập phương án, báo cáo kết quả thực tập phương án của cơ sở được gửi đến cơ quan Công an trực tiếp quản lý cơ sở.
- Tham gia thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH của cơ quan Công an đối với các cơ sở khác khi được huy động.
- Bổ sung, chỉnh lý phương án khi có thay đổi về quy mô, tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy và thực hiện thủ tục phê duyệt phương án theo quy định.
- Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 6 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP, Phương án chữa cháy của cơ sở đã được xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu không có sự thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì tiếp tục được sử dụng, không phải xây dựng và phê duyệt lại. Trường hợp, cơ sở muốn xây dựng lại phương án thì thực hiện theo mẫu PC17 Nghị định số 50/2024/NĐCP.
(Căn cứ pháp lý: khoản 1, 2 và khoản 4 Điều 19 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và điểm b khoản 11 Điều 1 và khoản 1 Điều 2 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP; khoản 4 Điều 1 Thông tư số 32/2024/TT-BCA)
Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH
Lập danh sách, bảo đảm kinh phí và các điều kiện để tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH định kỳ hằng năm:
- Về PCCC: Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
- Về CNCH: Lực lượng PCCC cơ sở và đối tượng khác theo yêu cầu (khoản 1 Điều 11 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP).
Tổ chức chữa cháy, CNCH
Khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn thì người phát hiện phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh, chủ cơ sở biết để chữa cháy, CNCH và báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114; sử dụng phương tiện, thiết bị tại chỗ để chữa cháy, CNCH.
Người chỉ huy chữa cháy, CNCH: Đội trưởng đội PCCC cơ sở; người đứng đầu cơ sở (khi lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chưa đến) có nhiệm vụ chỉ huy lực lượng PCCC cơ sở thực hiện các công việc sau:
- Hướng dẫn người trong khu vực cháy, nổ, sự cố, tai nạn di chuyển ra khu vực an toàn. Trường hợp, có người bị nạn, bị thương phải ưu tiên cứu người ra nơi an toàn.
- Cắt điện và triển khai lực lượng, phương tiện để chữa cháy, CNCH;
- Trường hợp lực lượng PCCC cơ sở đã hoàn thành việc chữa cháy, CNCH trước khi lực lượng Cảnh sát PCCC đến, cơ sở phải báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH biết.
Khi lực lượng Cảnh sát PCCC đến hiện trường, người chỉ huy chữa cháy của cơ sở phải cung cấp thông tin, báo cáo tình hình và công tác tổ chức chữa cháy, CNCH của cơ sở. Khi đó lực lượng của cơ sở có trách nhiệm:
- Bố trí người phù hợp tham gia Ban Tham mưu chữa cháy khi có yêu cầu.
- Thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, CNCH theo phân công của chỉ huy lực lượng Cảnh sát PCCC.
- Báo cáo vụ cháy, nổ gửi Cơ quan Công an trực tiếp quản lý cơ sở hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên.
Thực hiện trách nhiệm khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng, xây dựng thêm hạng mục trong cơ sở đang hoạt động.
Cơ sở trong quá trình hoạt động, khi xây dựng mới hạng mục công trình; cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng hoặc tăng quy mô của cơ sở có ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại Điều 11 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, phải thực hiện như sau:
Xác định trường hợp thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Đối với hạng mục công trình được xây dựng mới độc lập hoặc mở rộng so với hạng mục nhà hiện hữu:
- Có khối tích thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V Nghị định số 50/2024/NĐ-CP thì thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
- Có khối tích không thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V Nghị định số 50/2024/NĐ-CP thì không diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Đối với hạng mục, công trình được cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng:
- Hạng mục trong công trình thuộc Phụ lục V Nghị định số 50/2024/NĐ-CP, khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng dẫn đến một trong các trường hợp sau: làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy; thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn; giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình; lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy; lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy; thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC (điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP)
- Hạng mục trong công trình thuộc Phụ lục V Nghị định số 50/2024/NĐ-CP, khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP; công trình không thuộc Phụ lục V Nghị định số 50/2024/NĐ-CP thì không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Đối với trường hợp thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
- Lập hồ sơ thiết kế các hạng mục công trình và hạng mục về PCCC trình Cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế và được Cơ quan Cảnh sát PCCC cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định (Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và khoản 5 Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP).
- Tổ chức thi công các hạng mục công trình và hạng mục về PCCC theo hồ sơ thiết kế đã được Cơ quan Cảnh sát PCCC phê duyệt; Trước khi đưa các hạng mục công trình vào hoạt động, sử dụng phải tổ chức nghiệm thu về PCCC và được Cơ quan Cảnh sát PCCC cấp Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC theo quy định (Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).
- Thực hiện đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC và CNCH theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và khoản 2 Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP trước khi đưa hạng mục công trình vào hoạt động, sử dụng.
Đối với trường hợp không thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
- Lập hồ sơ thiết kế các hạng mục công trình và hạng mục về PCCC gửi đến Cơ quan Cảnh sát PCCC để góp ý các giải pháp an toàn PCCC theo quy định (khoản 4, khoản 6 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và khoản 5 Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP).
- Tổ chức thi công theo hồ sơ thiết kế đã được Cơ quan Cảnh sát PCCC phê duyệt, góp ý và tổ chức nghiệm thu về PCCC (khoản 2, khoản 4 Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).
- Thực hiện đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC và CNCH theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và khoản 2 Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP trước khi đưa hạng mục công trình vào hoạt động, sử dụng.
Văn Mạnh