Lãnh đạo tỉnh Bình Phước thực hiện nghi thức khai trương Tổng đài giải đáp thông tin dịch vụ công 1022; công bố 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh kết nối Cổng dịch vụ công Quốc gia. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Tỉnh ủy Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn, trong đó các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng, hoàn thiện nền tảng dữ liệu số.
Các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp đều diễn ra trên không gian mạng; quản lý và đảm bảo an ninh, an toàn các giao dịch trên không gian mạng.
Bình Phước phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi cho rằng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ số thì việc chuyển đổi số, nhất là xây dựng chính quyền số, kinh tế số là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo và triển khai quyết liệt việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực, nhất là trong xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính.
Đến nay, tỉnh có 1.123 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 100% theo yêu cầu của Chính phủ; vận hành hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, Trung tâm điều hành thông minh tỉnh và 3 Trung tâm điều hành thông minh của thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long, Bình Long.
Các văn bản hầu hết đều được xử lý và thực hiện trên môi trường điện tử thông qua ứng dụng chữ ký số, phần mềm họp không giấy.
Ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu toàn hệ thống chính trị địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và phát triển mạnh chính quyền điện tử, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia; đặc biệt là phải tạo được đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, thực hiện hiệu quả Tổng đài giải đáp thông tin dịch vụ công 1022 để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội.
Theo Tỉnh ủy Bình Phước, chuyển đổi số là một bước cụ thể Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, chuyển đổi số phải do cấp ủy lãnh đạo, Nhà nước thực hiện với sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị nhằm chuyển đổi số thành công trên mọi lĩnh vực.
Bình Phước sẽ thực hiện chuyển đổi số trên ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đồng thời, coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số; lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm.
Nghị quyết về chuyển đổi số của Tỉnh ủy Bình Phước cũng đặt vấn đề phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan trong chỉ đạo thực hiện số hóa tại cơ quan, địa phương mình; lấy tiêu chí số hóa để đánh giá cán bộ hằng năm./.
Nguồn: TTXVN