Vừa qua, đoàn giám sát Mặt trận Tổ quốc tỉnh, gồm các thành viên là lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Liên đoàn lao động, tỉnh đoàn, Hội chữ thập đỏ, hội liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh tổ chức giám sát việc sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ đồng bào khắc phục hạn hán tại các xã Lộc Thịnh, Lộc Tấn, Tân Thành, Thanh Hòa, thị trấn Thanh Bình và UBND huyện Lộc Ninh, Bù Đốp. Qua giám sát, đoàn đã kiến nghị UBND các huyện khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong quá trình sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đồng bào khắc phục hạn hán tại địa phương trong thời gian qua.
Chủ động ứng phó với thiên tai hạn hán
Đợt hạn hán vừa qua huyện Lộc Ninh có 6.330 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, 1.970 hộ thiếu nước sản xuất, 2.846,1 ha đất sản xuất nông nghiệp thiếu nước, trong đó: 2.624,1ha cây trồng lâu năm, 222ha cây trồng hằng năm. Kinh phí huyện được giao để phục vụ công tác phòng chống hạn là 3,65 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, huyện đã khoan 29 giếng tập trung và lắp đặt các bồn chứa nước tập trung cho các cụm dân cư, trường học thiếu nước sinh hoạt. Trang bị hệ thống máy bơm nước cho 2 xã Lộc Thịnh, Lộc Phú. Cấp 16.732 lít dầu cho xe chở nước, để cung cấp 43.914m3 nước sinh hoạt, 1.908m3 nước sản xuất cho người dân vùng khô hạn.
Hội chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ huyện Lộc Ninh 51 bồn chứa nước tập trung tại các cụm dân cư để cấp nước sinh hoạt cho người dân (trong đó có 50 bồn chứa loại 1.000L; 01 bồn chứa loại 2.000L). hỗ trợ 200 phần quà, trị giá 160 triệu đồng cho các hộ dân bị thiệt hại.
Đoàn giám sát trao đổi với người dân xã Tân Thành, huyện Bù Đốp
về hiệu quả của việc đặt các bồn cấp nước tập trung
Huyện Bù Đốp có 2.364,85 ha cây lâu năm thiếu nước; 246,58 cây lâu năm bị chết. Tổng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp ước khoảng 240,93 tỷ đồng, bao gồm: Diện tích lúa Đông Xuân mất trắng 126,62 ha và giảm năng suất trên 30% là 175 ha, ước thiệt hại: 4,5 tỷ đồng. Diện tích cây lâu năm bị chết khoảng 246,58 ha, ước thiệt hại 56 tỷ đồng. Để hỗ trợ về nước sản xuất, UBND huyện phối hợp Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh đã đấu nối được 4,3 km kênh chính và 5 km kênh nhánh của hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn cấp nước cho công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và nước sản xuất của thị trấn Thanh Bình, một phần xã Thanh Hòa. Ngoài ra nhân dân đã chủ động, gắn kết cộng đồng chung sức, nỗ lực khắc phục bằng các biện pháp như chung vốn đầu tư máy dầu hệ thống ống chuyền nước từ lòng hồ về, hay hộ khoan giếng có nước nhiều san sẻ cho các hộ kế bên để cứu cây tiêu.
Tổng kinh phí huyện hỗ trợ khắc phục hạn hán là trên 2,898 tỷ đồng. Đã tiến hành khoan 57 giếng nước tập trung, trị giá trên 2,367 tỷ đồng. Lắp 40 điểm bồn nước, trị giá 208,723 triệu đồng; hỗ trợ 22,17 triệu đồng tiền điện cho các hộ dân điểm lắp đặt bồn; sửa, thay bơm, trị giá 19,25 triệu đồng.
Huyện đoàn vận động 84 lượt thanh niên xung kích của 7 đoàn xã, thị trấn chở nước thường xuyên trong 25 ngày cho 70 hộ dân thuộc hộ gia đình chính sách, người già neo đơn, hộ nghèo... hỗ trợ đoàn viên thanh niên 105 can nhựa (loại 30 lít) và hỗ trợ tiền xăng xe với số tiền 31,5 triệu đồng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 51 bồn nước cho các xã trên địa bàn huyện lắp đặt tại các khu vực, khu dân cư thiếu nước sinh hoạt. Đồn biên phòng 793 đã hỗ trợ 40 ngày chở nước sinh hoạt bằng ô tô cho 37 hộ dân không có nước sinh hoạt tại thôn 7 và khu Bầu Đỉa xã Thiện Hưng. UBND các xã, thị trấn chủ động sử dụng 241 triệu đồng từ nguồn kinh phí dự phòng của địa phương để phục vụ công tác chống hạn (thực hiện các hạng mục như: khoan giếng, mua bồn, hỗ trợ chở nước đến các hộ neo đơn, gia đình chính sách….).
Đoàn giám sát kiểm tra địa điểm khoan giếng và đặt bồn nước
tại Đồn biên phòng Cầu Trắng, huyện Bù Đốp
Để kịp thời cung cấp thông tin cho người dân, UBND các huyện đã chỉ đạo Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện xây dựng chuyên đề về phòng, chống thiên tai; tuyên truyền Luật phòng, chống thiên tai; những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, huyện liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống sóng FM của Đài truyền thanh địa phương, phối hợp với cán bộ phụ trách Trạm truyền thanh các xã, thị trấn và các cụm loa ở khu dân cư tích cực tuyên truyền đến nhân dân chủ động phòng, chống hạn. Đặt biệt, tuyên truyền cho người dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và tưới tiêu. Có các biện pháp che, chắn, ủ gốc cây nhằm hạn chế sự bốc hơi nước đối với cây trồng (cây công nghiệp), tuyên truyền cho bà con nông dân không gieo xạ những khu vực không đảm bảo nước tưới, tránh thiệt hại về tài sản. Vận động nhân dân tham gia làm thủy lợi, nạo vét, phát dọn kênh mương, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, tận dụng tối đa nguồn nước hiện có. Nạo vét, đào thêm giếng mới, chuẩn bị các dụng cụ tích nước, hỗ trợ lẫn nhau hạn chế tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.
Đoàn giám sát kiểm tra hoạt động của giếng khoan
tại một hộ dân thị trấn Thanh Bình
Nhờ chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, giải quyết được nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và nước tưới để cứu cây trồng, nên đã hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho người dân. Trong những lúc khó khăn, hoạn nạn tinh thần “tương thân tương ái” được phát huy tốt trong cộng đồng dân cư.
Vẫn còn nhiều bất cập:
Bà Lã Thị Thu Hương, Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, trưởng đoàn giám sát cho biết: các nguồn kinh phí hỗ trợ đồng bào khắc phục hạn hán tại các địa phương sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của người dân. Công tác quản lý các nguồn kinh phí hỗ trợ đồng bào trên địa bàn huyện khắc phục hạn hán và thiên tai gây ra được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định của pháp luật. Công trình giếng khoan ở cụm dân cư được đầu tư đảm bảo giúp người dân quản lý và sử dụng thuận lợi, hiệu quả. Tuy nhiên việc thực hiện sử dụng các nguồn quỹ phí hỗ trợ đồng bào khắc phục hạn hán tại hai huyện Lộc Ninh và Bù Đốp trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, như: Quy trình thực hiện thủ tục đầu tư giếng khoan ở cụm dân cư chưa đúng quy trình theo Luật đầu tư công, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, quy định về giám sát đầu tư của cộng đồng, như: không thành lập Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; không công khai để nhân dân biết, dân bàn, lấy ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư. Một số công trình đầu tư ở khu dân cư chưa được đồng bộ, chất lượng một số công trình chưa đảm bảo, như nền sân giếng khoan bị hư hỏng (một số giếng ở huyện Lộc Ninh); không xây trụ xung quanh miệng giếng để bảo quản, gây khó khăn trong việc quản lý, sử dụng (các giếng khoan ở huyện Bù Đốp). Chưa thực hiện việc bàn giao, hướng dẫn việc quản lý, vận hành, sử dụng các giếng khoan cho các hộ dân.
Bà Lã Thị Thu Hương, Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh
phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Bù Đốp
Chính quyền các địa phương hai huyện chưa thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do hạn hán gây ra theo các quyết định: quyết định 142/2009/QĐ-TTg, ngày 31/12/2009; quyết định 49/2012/QĐ-TTg, ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung sửa đổi điều 3 của quyết định 142/2009/QĐ-TTg, ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; quyết định 01/2016/QĐ-TTg, ngày 19/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai. Chưa thực hiện tốt việc công khai kết quả thu, nộp, sử dụng, danh sách người lao động đã đóng quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định tại khoản 2, điều 13, chương III, Nghị định số 94/2014/NĐ-CP, ngày 17/10/2014 của Chính Phủ. Việc sử dụng quỹ dự phòng và quỹ phòng, chống thiên tai ở các địa phương chưa được thống nhất về nội dung chi, mức chi. Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số địa phương chưa được đề cao, công tác tuyên truyền vận động chưa được thường xuyên; chưa thực hiện tốt chức năng giám sát các công trình đầu tư công trên địa bàn.
T.Phước