Chiều 10-7, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 thực hiện chất vấn theo quy định. Các đại biểu dự hội nghị đã có những tham luận trình bày về nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Tiến Điền đã có bài tham luận về một số giải pháp tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI:
“Trong giai đoạn mới, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, trong đó cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu: Đổi mới công tác quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng theo tinh thần đồng bộ, kịp thời và chuyên sâu; Gắn kết thường xuyên, chặt chẽ công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết từ sớm, từ gốc những vấn đề có thể dẫn đến nảy sinh những bức xúc về tư tưởng; triển khai đồng bộ các giải pháp trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Tiếp tục tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị; Phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc tuyên truyền, giáo dục, xây dựng đạo đức, phong cách, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy mạnh mẽ vai trò của văn học nghệ thuật trong tuyên truyền, giáo dục”.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Trà tham luận về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay:
“Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay đó là: Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức, cán bộ gắn với nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị về vai trò, trách nhiệm phát triển nguồn nhân lực trẻ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đủ tự tin và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; Trên cơ sở nguồn quy hoạch cán bộ tại chỗ, các cấp ủy đảng, chính quyền khẩn trương cho cán bộ dưới 40 tuổi đi đào tạo, bồi dưỡng để có đủ trình độ và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; Việc điều động cán bộ chỉ thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức và giữa các cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm 5 quyền hoặc để chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Đảng và pháp luật nhà nước…”.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh:
Cải cách thủ tục hành chính có tác động to lớn đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) sẽ gỡ bỏ những rào cản về TTHC đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, cải cách TTHC được xem là tiền đề để thực hiện các nội dung cải cách khác như: nâng cao chất lượng thể chế, trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ, công chức, thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số...
Trong thời gian tới, Bình Phước tăng cường hoạt động truyền thông về cải cách TTHC, đẩy mạnh kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Quyết liệt triển khai hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Đề án 06/CP, các nhiệm vụ chuyển đổi số theo Nghị quyết số 04-NQ/TU; Rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp theo hướng việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn cho tổ chức, người dân thì giao cấp đó thực hiện. Nâng cấp Cổng dịch vụ công tỉnh theo hướng dễ sử dụng, thân thiện người dùng để phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp…
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lê Thị Xuân Trang:
Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các đề án, kết luận thực hiện Chương trình hành động số 17 của Tỉnh ủy cần thực hiện 4 giải pháp là: Phải làm tốt công tác dân vận nhất là giai đoạn trước khi triển khai thực hiện dự án, đảm bảo đầy đủ quy trình công khai, minh bạch; Trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được nóng vội, hành động duy ý chí dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, điểm nóng, khiếu kiện đông người mà dự án đi qua; Công tác dân vận trong tuyên truyền, vận động nhân dân phải được coi trọng và phải đi trước một bước và phải chặt chẽ, kiên định, kiên trì, toàn diện, chắc chắn. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng phải có kế hoạch đưa nội dung vận động Nhân dân đồng thuận thực hiện các dự án vào các phong trào thi đua yêu nước góp phần nâng cao hiệu quả trước mắt và lâu dài trong công tác tuyên truyền vận động. Thực hiện tốt an sinh xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm cần sự quan tâm của chính quyền các cấp và chủ đầu tư…”.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Giang Thị Phương Hạnh cho rằng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra của toàn Đảng bộ tỉnh, cần thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:
Kịp thời thời kiện toàn UBKT các cấp đảm bảo số lượng theo đề án được duyệt. Việc bố trí cán bộ kiểm tra phải được lựa chọn những cán bộ có đủ bản lĩnh, không ngại đụng chạm, thẳng thắn, trung thực, khách quan, công tâm, không ích kỷ, hẹp hòi, định kiến, nhưng phải thấu tình, đạt lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra, nhất là cấp cơ sở vì không ai tự nhiên mà giỏi, không ai mới vào ủy ban kiểm tra mà có thể làm tốt được ngay công tác này, tất cả đều phải được đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện với nhiều hình thức khác nhau. Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp tăng cường luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về công tác kiểm tra, giám sát và luân chuyển cán bộ kiểm tra sang công tác các ngành để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kiểm tra…”.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Minh Hợi: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách lại vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay:
“Từng cấp ủy, tổ chức đảng phải xem công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực (PCTNTC) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Hằng năm phải xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện công tác PCTNTC phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác PCTNTC. Tập trung kiên quyết khắc phục tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử để xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo nguyên tắc “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”; “tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó”, không để kéo dài các vụ án liên quan đến tham nhũng, đặc biệt là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài…”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi cho rằng để thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới:
Triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động số 17-CT/TU của Tỉnh ủy đã đề ra; Tiếp tục từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước cho phù hợp, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư và chi trả nợ; Tập trung thu hút đầu tư, bên cạnh việc rà soát những dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI đối với những trường hợp đã hết thời gian ưu đãi thuế nhằm tập trung nguồn thu này hiệu quả và bền vững; Tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền về pháp lý, về thủ tục hành chính, về tiếp cận đất đai, vốn và điều kiện kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; Phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…
Tại buổi thảo luận và chất vấn theo quy định, đại biểu cũng có những bài tham luận về xây dựng công an xã, thị trấn, đáp ứng yêu cầu công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; các giải pháp đột phá xây dựng thành phố Đồng Xoài thành đô thị hiện đại, sinh thái, thông minh; là trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh…
Theo BPO