Ngày 12/10/2017, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì phối hợp Đảng ủy Công an tỉnh tổ chức Hội nghị nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo gắn với kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2017). Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Tuệ Hiền – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Ngọc Trai – UVBTV, Phó tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Toản – TUV, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh. Đồng chí Lê Thị Xuân Trang – UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp.
Đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước Lê Thị Xuân Trang trao kỷ niệm chương, hoa chúc mừng các cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp dân vận năm 2017
Phát biểu khai mạc và ôn lại truyền thống, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Xuân Trang đã nhấn mạnh: ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã đặc biệt coi trọng công tác dân vận và khẳng định: Sức mạnh của cách mạng ở nơi dân. Đảng phải dựa vào dân để làm cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Muốn cách mạng thành công thì Ðảng phải vững mạnh, phải dựa vào dân, tổ chức vận động nhân dân tham gia và lãnh đạo nhân dân thực hiện những nguyện vọng, lợi ích thiết thực cho nhân dân.
87 năm qua, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, nhân dân ta đã giành được nhiều kết quả nổi bật trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy gian khó, quyết liệt và hào hùng đã hun đúc nên truyền thống yêu nước của dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - sức mạnh của lòng dân. Sức mạnh của Tổ quốc bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân, để làm nên những chiến công hiển hách trong cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
Bước vào thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương về công tác dân vận. Trên cơ sở đó, công tác dân vận của hệ thống chính trị nói chung và tỉnh Bình Phước đã đạt được những kết quả đáng kể.
Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, như Quyết định 1238-QĐ/TU năm 2010 về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Quyết định 780-QĐ/TU ngày 13/9/2017 về quy chế đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Đề án 01-ĐA/TU ngày 31/8/2016 của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực, đổi mới nội dung công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh giai đoạn 2016 -2020. Đây là đề án đầu tiên về công tác dân vận kể từ khi tái lập tỉnh đến nay. Trên cơ sở đó các cấp ủy đảng, chính quyền đã cụ thể việc thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên ở cơ sở; định kỳ tổ chức đối thoại với nhân dân, mở hội nghị góp ý, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, công khai lấy ý kiến của nhân dân trước khi quyết định những việc quan trọng của địa phương; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua đã gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động, tạo được khí thế mới trong vận động, khuyến khích các tầng lớp nhân dân phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ cống hiến cho cộng đồng và đất nước. Các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã lựa chọn để Ban Dân vận Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh biểu dương khen thưởng hơn 91 tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2011 - 2015, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã biểu dương, khen thưởng 31 cá nhân tiêu biểu “người tốt, việc tốt” ngành dân vận năm 2016. Toàn tỉnh đã xây dựng được 123 mô hình và được nhân rộng ở tất cả các ngành, lĩnh vực: Kinh tế; văn hóa - xã hội; quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tại hội nghị, có 21 tham luận, trong đó có 6 tham luận phát biểu trực tiếp về chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong công tác dân vận ở các huyện, thị xã.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Tuệ Hiền - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đánh giá cao kết quả công tác dân vận của tỉnh đạt được, hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể đã tích cực chủ động trong tham mưu cấp ủy và tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với các phong trào thi đua khác do các ngành, các cấp phát động. Trong thời gian tới, đồng chí Trần Tuệ Hiền yêu cầu cần phải tăng cường hơn nữa việc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị; tích cực thi đua “dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chú trọng tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội. Công tác dân vận tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đi vào thực chất, bám sát cơ sở, xây dựng mô hình “dân vận khéo” phù hợp thực tiễn…
Nhân dịp này, Ban Dân vận Trung ương đã tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân vận” cho 18 cá nhân có nhiều cống hiến trong công tác dân vận.
Nguyễn Hạnh – Ban Dân vận Tỉnh ủy