UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Thị Xuân Trang phát biểu tại hội nghị
Sau khi nghe đại diện nhóm tư vấn giới thiệu tóm tắt dự thảo quy hoạch tỉnh bình phước thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đại diện Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Bà Lã Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch nhấn mạnh đây là các văn bản đặc biệt quan trọng liên quan đến Quy hoạch tỉnh Bình Phước; vì vậy, để các ý kiến phản biện có sự tập trung, đảm bảo chương trình và thời gian của hội nghị, các chuyên gia cần hướng vào một số nội dung trọng tâm cần phản biện xã hội như cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc ban hành văn bản đã đầy đủ và phù hợp chưa? nhất là đối với chiến lược tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đối với nội dung đánh giá về bối cảnh tác động đến phát triển của tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về vị thế, vai trò của tỉnh đối với vùng, quốc gia; Các yếu tố, điều kiện của vùng, quốc gia, quốc tế tác động đến phát triển tỉnh; các nguy cơ và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; những điểm nghẽn chiến lược và lợi thế đối với Bình Phước đã thực sự hợp lý, sát, đúng với thực trạng chưa? những vấn đề, nội dung nào cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp hơn? …
Bà Lã Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh định hướng một số nội dung trọng tâm cần phản biện trong hội nghị
Tham dự hội nghị, các đại biểu tham dự đã được nghe và nghiên cứu 09 bài tham gia phản biện xã hội liên quan đến Dự thảo “Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” từ các chuyên gia phản biện xã hội.
Tại Hội nghị, Các ý kiến tập trung vào một số vấn đề như: Dự thảo Quy hoạch cần xác định rõ cơ sở lý luận, thực tiễn; các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Bình Phước; quan điểm, phương án phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm để phát triển, đẩy mạnh CNH – HĐH, phát triển nhanh và bền vững; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch…
Nhóm chuyên gia phản biện tại hội nghị
Ông Nguyễn Hoàng Dũng – Chủ tịch Công ty Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững, đại diện nhóm chuyên gia phản biện đánh giá cao “cách tổ chức, tinh thần của sự kiện này, từ lãnh đạo tỉnh tới một số ban ngành, đặc biệt là Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong việc tổ chức hội nghị”. Đồng thời, yêu cầu nhóm tác giả nghiên cứu và bổ sung thêm 13 văn bản pháp lý mới có liên quan đến công trình và nhiều ý kiến tâm huyết khác. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất nhiều chương trình phát triển ấn tượng ở các tỉnh bạn mà Bình Phước có thể nghiên cứu, tham khảo để vận dụng phát triển tỉnh nhà trong những năm tới.
Ông Huỳnh Thế Du – Giảng viên và Nghiên cứu viên cao cấp của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Dự hội nghị trực tuyến tại Mỹ) phát biểu tại hội nghị
Đại diện nhóm soạn thảo văn bản có Ông Huỳnh Thế Du – Giảng viên và Nghiên cứu viên cao cấp của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Dự hội nghị trực tuyến tại Mỹ) tiếp thu, giải trình các ý kiến của chuyên gia phản biện tại hội nghị. Đồng thời, mong muốn Dự thảo “Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” sẽ được trình Trung ương sớm nhất có thể để có thể đi vào triển khai trong thực tế.
Kết luận hội nghị, UVBTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Thị Xuân Trang cảm ơn những ý kiến đóng góp tại hội nghị. Qua đó, đề nghị Nhóm tác giả tiếp thu đầy đủ các ý kiến, trên cơ sở đó xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện dự thảo “Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tế của tỉnh. Ngoài ra, trong quá trình hoàn thiện dự thảo “Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” cần cập nhật kịp thời những văn bản mới liên quan đến công tác quy hoạch của trung ương và của tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
BBT